Những hiểu biết chung nhất về cà phê
Khi bắt đầu biết uống cà phê, chúng ta thường tự hỏi liệu cốc cà phê mình đang uống được làm từ loại hạt nào, rang xay ra sao và pha thế nào để có được hương vị quyến rũ đó. Tại bài viết này, Coffee 3F sẽ chia sẻ những kiến thức chung nhất về cà phê, hy vọng có thể giải đáp được phần nào những thắc mắc của đọc giả.
Trước hết cà phê có hai giống chính khác nhau là cà phê Robusta và cà phê Arabica. Robusta, như cái tên đã thể hiện, rất là robust, tức là mạnh, là nhiều cafeine, là mất ngủ nhiều. Arabica thì trái lại, ít độc hại hơn, nhưng có nhiều hương thơm (aroma). Nghệ thuật sản xuất cà phê bắt đầu từ việc lự việc lựa chọn hạt cà phê, và pha một tỷ lệ thích hợp giữa hai giống cà phê này.
Thứ hai , hạt đã được chọn phải được rang như thế nào? Người Italy khi đi sang Trung Quốc, Việt Nam, nhìn thấy các ông “nông dân” tập tọng uống cà phê rang thì giơ hai tay lên trời mà kêu trời, kêu cha, kêu mẹ. Rang cà phê trên chảo “quân dụng” nóng có rắc thêm ít bơ cho khỏi cháy thì aroma (hương thơm) nó bay lên trời hết rồi, còn đâu cái vị ngon làm điên đảo nhân loại hàng bao nhiêu thế kỷ. Ở phương Tây, cà phê được rang trong nhà máy, bằng hệ thống toàn bộ kín khí cho đến khi hạt cà phê được rang xong và đóng vào túi cũng hút chân không, nên hương thơm còn giữ được.
Quan trọng đối với quá trình sản xuất café, tất nhiên cũng từ khâu trồng trọt, đất đai… nhưng lúc chế biến thì là giai đoạn “rang”. Nhiệt độ rang café phải đạt 230-240 độ C nhằm tạo các chất thơm, tạo màu (caramel hoá). Đối với cà phê Arabica, điều kiện rang không chặt chẽ như robusta vì nó qua lên men, còn bao nhiêu tính chất cảm quan sau này đều nhờ vào quá trình này cả, nên luôn yêu cầu “rang trong điều kiện trên bề mặt thoáng”. Đúng là cần đủ kín để giữ mùi nhưng không có oxy thì làm sao mà tiến hành phản ứng oxyhoá được? Còn thiết bị rang thì thường hình tròn hoặc trụ nhằm tạo điều kiện đảo trộn đều và phân bố nhiệt tốt.
Thứ ba, khi pha café, nước pha là loại ít canxi và chỉ đun đến khi thấy sủi tăm (khoảng 90-95 độ là tốt nhất, vì nhiệt độ cao sẽ làm bay hơi nhanh và phá vỡ các tinh dầu thơm). Độ mịn của café cũng quan trọng nhưng tuỳ theo loại mà sẽ có yêu cầu khác nhau. Về bình pha, có nhiều loại lắm, không có cái nào giống phin café ở VN cả, nhưng đa số cũng theo nguyên lý như vậy (nước ở trên, phần lọc và café ở giữa, rồi hứng café bên dưới) nhưng cũng có cái thì ngược lại (café ra ở bên trên, nước ở phía dưới) . Còn thực tế, người ta đánh giá café pha bằng máy ở nước ngoài là đạt tiêu chuẩn vì café chỉ pha 1 lần, thời gian tiếp xúc giữa nước và café rất ngắn, nhưng vì dân Châu Âu đa số dùng cà phê Arabica nên café của họ nhạt và chua.
Khi pha, người ta thường pha chế theo tỷ lệ khác nhau để tạo ra “hiệu quả” khác nhau, việc đánh giá cũng thay đổi theo từng người do tác dụng kích thích của café lên mỗi người là không giống nhau. Uống vài cốc café sẽ có tác dụng tốt, nhưng chỉ cần 10g cafein cũng có thể gây chết người rồi. Uống café thì dùng thìa cũng được, cái chính là thời gian để café lưu trên lưỡi đủ để toàn bộ lưỡi cảm nhận được.
Kiến thức về cà phê thì càng đam mê, càng tìm hiểu lại thấy càng có nhiều thứ để chiêm nghiệm và học hỏi nên qua bài viết nhỏ này, Coffee 3F hy vọng được cùng đọc giả dạo những bước đầu tiên trên con đường tìm hiểu về cafe - thứ thức uống hằng ngày quá đỗi quen thuộc với chúng ta.